Giao dịch chứng khoán sáng 15/11: Áp lực bán tăng mạnh, VN-Index "đe dọa" mốc 1.220 điểm

Share this on Hà Nội, 15 Tháng Mười Một 2024 - 11:07 SA
Giao dịch chứng khoán sáng 15/11: Áp lực bán tăng mạnh, VN-Index

Thị trường vẫn diễn biến tiêu cực trong phiên sáng 15/11 khi áp lực bán tiếp tục dâng cao trên diện rộng đã khiến VN-Index ngày càng nới rộng biên độ giảm, thậm chí có thời điểm giảm mạnh về dưới mốc 1.220 điểm.


Không nằm ngoài cảnh báo của giới phân tích về xu hướng thị trường trong nửa đầu tháng 11 khi dòng vốn ngoại vẫn miệt mài bán ròng, trong khi lực cầu trong nước chủ yếu lựa chọn giải pháp đứng ngoài, chỉ số VN-Index đã liên tục xuyên qua các mốc hỗ trợ thấp hơn. Chỉ trong 10 phiên giao dịch của tháng 10, VN-Index đã mất hơn 32,5 điểm.

Đặc biệt, phiên giao dịch 14/11, chỉ số VN-Index ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong hơn 3 tháng, kết phiên ở mức thấp nhất ngày về sát ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm. Về kỹ thuật, việc VN-Index phá vỡ tín hiệu của nến đảo chiều trong phiên trước đó, cho thấy áp lực bán vẫn còn rất mạnh và khả năng còn tiếp diễn trong phiên tới.

Quay lại diễn biến giao dịch phiên sáng 15/11, thị trường tiếp diễn trạng thái ảm đạm khi áp lực bán trên diện rộng khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và VN-Index nhanh chóng thủng mốc 1.230 điểm ngay khi mở cửa.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm khi lực bán chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong khi dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát. Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index biến động quanh vùng giá 1.225 điểm khi hầu hết các nhóm ngành đều đã chuyển đỏ.

Trong đó, bên cạnh các nhóm ngân hàng và chứng khoán tiếp tục điều chỉnh giảm, các nhóm công nghệ, vận tải cũng đồng loạt quay đầu khi chịu áp lực bán chốt lời sau những phiên ngược dòng trước đó.

Nhóm cổ phiếu bất động sản bớt tiêu cực hơn nhờ bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup gồm VHM, VIC, VRE đều tăng nhẹ, cùng một số mã cũng đảo chiều hồi phục thành công như KBC, SZC, NTL.

Tâm lý tiêu cực đang dần lan rộng thị trường khiến thị trường giảm mạnh và VN-Index chỉ bật hồi đôi chút sau khi để thủng mốc 1.220 điểm.

Nhóm VN30 cũng giảm mạnh gần 11,5 điểm khi có tới 26 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng. Trong đó, VRE tăng tốt nhất là 1,1%, còn SSB, VIC, VHM tăng nhẹ chưa tới 0,5%; trái lại, SSI giảm 2,8%, HDB giảm 2,2%, MWG giảm 2%, còn lại giảm trên dưới 1%.

Xét về nhóm ngành, không có nổi nhóm nào ngược dòng thị trường chung. Nhóm bất động sản dù các mã lớn nhà Vin đều khởi sắc nhưng biên độ tăng hẹp cùng KBC, SZC, NLG, đã không “gánh được team”.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm chứng khoán giảm mạnh khi các mã đồng loạt lùi sâu, với VIX và SSI giảm trên dưới 2,5%, có thanh khoản sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt 16,56 triệu đơn vị và 11,7 triệu đơn vị; HCM giảm 2,8%...

Ở nhóm ngân hàng, ngoại trừ duy nhất SSB nhích nhẹ, còn lại hầu hết đều giảm trên dưới 1%, với SHB và TPB cùng giảm 1% và thanh khoản cao nhất ngành, cùng đạt hơn 7,5 triệu đơn vị; cổ phiếu HDB và MSB giảm sâu nhất khi mất hơn 2%, còn CTG tác động mạnh nhất khi lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung.

Các nhóm cổ phiếu khác như công nghệ thông tin, thép, tiêu dùng, năng lượng… đồng loạt đều giảm.

Chốt phiên, sàn HNX có 33 mã tăng và 103 mã giảm, HNX-Index giảm 2,21 điểm (-0,99%), xuống 221,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,7 triệu đơn vị, giá trị 552,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 55 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chốt phiên giảm hơn 6,5 điểm khi có 23 mã giảm và chỉ 4 mã tăng. Trong đó DHT tăng 4,6%, L18 tăng 1,6%, còn PSD và VCS tăng nhẹ; trái lại DVM giảm 3,6%, MBS giảm 2,9%, IDC, LAS, TIG cùng giảm 2,3%...

Về thanh khoản, cặp đôi chứng khoán trên HNX cũng sôi động nhất, đó là SHS và MBS với khối lượng khớp lần lượt đạt 4,67 triệu đơn vị và 2,76 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng giảm 2,2% và 2,9%.

Tâm điểm đáng chú ý là GKM đã ngược dòng thị trường chung thành công, khi chốt phiên tăng 9,5% lên mức giá trần 6.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, nhận tín hiệu tiêu cực từ thị trường chung, UPCoM-Index cũng sớm đảo chiều giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,44%), xuống 91,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,58 triệu đơn vị, giá trị 222,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa tới 3 tỷ đồng.

Các cổ phiếu đáng chú ý khác như VGI, VEA, OIL, VGT đều chốt phiên trong sắc đỏ.


T.Thúy


« Quay lại

 Sự kiện

Miễn phí 14 ngày dùng thử FiinPro-X

Dùng bản thử ngay