Big 4 ngân hàng ngày càng thụt lùi trong cuộc đua tăng vốn

Share this on: Hanoi, Thg10 25 2024 - 02:48 CH

Là một trong những ngân hàng đứng đầu về tổng tài sản cũng như thị phần tín dụng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam đứng trước nguy cơ không đạt an toàn vốn, hạn chế tăng trưởng tín dụng, sụt giảm lợi nhuận. Nếu không được bổ sung vốn, ngân hàng dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức 7% trong năm 2024 thay vì 15,93% như kế hoạch.


Đứng đầu về tổng tài sản cũng như thị phần tín dụng, song các ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) đang ngày càng thụt lùi trong cuộc đua tăng vốn. Nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ không đạt an toàn vốn, hạn chế tăng trưởng tín dụng, sụt giảm lợi nhuận.

Hạn chế tăng trưởng tín dụng vì CAR sụt giảm

Giữa tuần này, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Mặc dù tính đến cuối năm 2023, Tỷ lệ An toàn vốn (CAR) của Vietcombank đạt 11,39% (hợp nhất), đảm bảo đúng quy định hiện hành (tối thiểu 8%), song hết sức bấp bênh do phụ thuộc lớn vào phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà Vietcombank đang giữ lại (khoảng 50% vốn tự có), trái phiếu tăng vốn (khoảng 5% vốn tự có).

Trường hợp Vietcombank phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thì tỷ lệ vốn cấp 1 và CAR giảm xuống mức 5,64% và 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của Vietcombank do không đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.

Theo báo cáo của Chính phủ, nếu Vietcombank không được tăng vốn, năm 2024, ngân hàng này sẽ chỉ tăng trưởng tín dụng được ở mức 7% (thay vì mức dự kiến 15,93% như hiện tại) để tương ứng với phần vốn tự có giảm (27.666 tỷ đồng). Đồng thời, lợi nhuận trước thuế dự kiến cũng giảm tương ứng với phần giảm quy mô tín dụng (giảm khoảng 4% lợi nhuận).

Không chỉ thiếu vốn năm 2024, Vietcombank còn thiếu hụt tới 118.166 tỷ đồng cả giai đoạn 2024-2026 nếu muốn đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành. Trường hợp Vietcombank không được Quốc hội thông qua phương án tăng vốn, mà phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, thì mức vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024-2026 là 125.435 tỷ đồng. Trường hợp Vietcombank phải trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2024, với mỗi 5.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt, thì CAR của Vietcombank giảm 0,25% trong giai đoạn 2024-2026.

Nhiều ngân hàng khác trong nhóm Big 4 cũng đứng trước tình trạng mong manh hệ số CAR, có nguy cơ giảm tốc tăng trưởng tín dụng. Năm 2023, Agribank đã được Quốc hội chấp thuận đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy vậy, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho hay, số vốn này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ.

Vì sao Big 4 tăng vốn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách?

Ngoài xin bổ sung vốn từ nguồn ngân sách (qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu), các ngân hàng thương mại nhà nước có rất nhiều giải pháp tăng vốn khác, như phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu huy động vốn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng Big 4, các hình thức này tốn kém và không mấy khả thi trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, với giải pháp phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, cả Vietcombank và BIDV đều đặt kế hoạch chào bán cho đối tác ngoại, với giá trị mỗi thương vụ lên tới hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán MSB, cả hai thương vụ đều phải tạm hoãn.

Vietcombank cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với các dấu hiệu suy thoái, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, các hoạt động mua bán và phát hành cổ phiếu trên thị trường vốn trở nên trầm lắng. Việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của Vietcombank và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm vừa qua gặp nhiều thách thức. Do đó, hiện tại, việc thực hiện phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang được tiếp tục xúc tiến.

Trước tình trạng khó bán vốn hoặc không có cửa bán vốn (như VietinBank, Agribank), thời gian qua, nhóm Big 4 phải phát hành lượng lớn trái phiếu để tăng vốn.

Tuy vậy, theo Vietcombank, trái phiếu tăng vốn là nguồn vốn thứ cấp và tạm thời, không bền vững. Đồng thời, chi phí trả lãi cao, hiệu quả kinh tế thấp và tỷ lệ tính giá trị trái phiếu tăng vốn vào vốn tự có sẽ giảm dần theo thời gian. Riêng với Vietcombank, phát hành trái phiếu tăng vốn gây bất lợi cho ngân hàng do Vietcombank hướng tới áp dụng Basel III trong những năm tiếp theo. Basel III không khuyến khích các ngân hàng tăng vốn tự có bằng trái phiếu do thiếu bền vững. Cơ cấu trái phiếu tăng vốn cao trong vốn tự có cũng ảnh hưởng đến thứ bậc xếp hạng quốc tế của ngân hàng.

Trước tình trạng “ăn đong” về vốn, lãnh đạo ngân hàng Big 4 nhiều lần đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế dài hơi để các ngân hàng này có thể tăng vốn bền vững và chủ động hơn.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng”, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng này được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong vòng 5 năm (giai đoạn 2024 - 2028) để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

NHNN cho biết, cơ quan này đang trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022. Đồng thời, đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn nhà nước cho VietinBank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009-2016, năm 2021 và năm 2022.


Hà Tâm


« Go Back

TRY FiinPro-X FREE FOR 14 DAYS

Get Free Trial Now