Kinh doanh điều thô nhập khẩu từ châu Phi, nhiều doanh nghiệp vướng vòng lao lý

Share this on Hà Nội, 29 Tháng Mười 2024 - 07:24 SA

Công ty TNHH Hoàng Sơn I đang gặp khó khăn nghiêm trọng do quy định tại Nghị định 15, không cho phép điều nhập khẩu từ châu Phi bán trong nước mà chỉ được dùng để xuất khẩu. Điều này gây ra tồn kho lớn, giảm sức cạnh tranh và khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Chủ tịch HĐQT của công ty cho rằng doanh nghiệp đang bị "trói tay" khi không thể linh hoạt chuyển đổi mục đích kinh doanh để ứng phó với biến động thị trường nội địa.


Đã có nhiều vụ khởi tố về tội buôn lậu với doanh nghiệp điều do có hành vi tự ý chuyển tiêu thụ nội địa đối với điều nhập khẩu theo loại hình gia công, sản xuất, xuất khẩu.
Nguyên nhân do đâu?

Ngày 28/10, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Toạ đàm tham vấn “Nhận diện các khó khăn, vướng mắc và tìm kiếm giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho ngành điều” tại tỉnh Bình Dương.
Theo VINACAS, nhiều năm qua, Việt Nam luôn giữ vị trí số 1 thế giới về lượng điều xuất khẩu. Diện tích trồng cây điều ở Việt Nam đang giới hạn ở mức 300.000 ha, nguồn cung điều thô trong nước hiện chỉ bảo đảm 10-12% nhu cầu chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, 88%-90% phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu. 

Hiện nay, Campuchia và nhiều quốc gia ở châu Phi đẩy mạnh sản xuất điều thô và chế biến sâu điều nhân khiến ngành điều Việt Nam phải đối mặt với khó khăn thiếu hụt nguyên liệu để chế biến. Không những thế, qua rà soát tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp điều, VINACAS nhận thấy một số bất cập. 

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15) ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, hạt điều và các sản phẩm chế biến từ hạt điều (trừ bánh, mứt, kẹo có chứa hạt điều do Bộ Công thương quản lý) thuộc đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Tuy nhiên, do các nước châu Phi không nằm trong “danh sách các nước đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam” được công khai trên trang website của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn nên theo quy định hiện hành của Nghị định 15, các doanh nghiệp điều nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi chỉ được phép sản xuất để xuất khẩu, mọi hành vi bán vào nội địa, dù là vì lý do gì cũng là vi phạm pháp luật. 

Quy định này là đúng để có hàng rào kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm với những sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Nhưng với ngành điều, trong gần 2,9 triệu tấn điều thô nhập khẩu làm nguyên liệu năm 2023, có đến hơn 2,2 triệu tấn nhập khẩu từ các nước châu Phi chưa nằm trong “danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam".

Do đó, mặc dù điều thô nhập về phải qua kiểm dịch mới được được đưa vào chế biến nhưng dù với bất cứ lý do gì cũng không được chuyển bán nội địa. Nếu vi phạm, có thể bị khép vào tội buôn lậu và đã không ít doanh nghiệp, doanh nhân bị khởi tố, phải vào vòng lao lý vì vi phạm quy định này.

“Đây là nội dung còn rất nhiều điểm nghẽn và là một trong những vướng mắc về quy định đối với doanh nghiệp điều Việt Nam đến nay vẫn chưa được tháo gỡ”, ông Nhựt chia sẻ.

Doanh nghiệp mất sức cạnh tranh

Các doanh nghiệp cho rằng, quy định của Nghị định 15 khiến việc điều chỉnh sản xuất theo biến động của thị trường của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. 
Đã có nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản do tồn kho lớn không thể tiêu thụ hết sản phẩm. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã buộc phải “lén” bán hàng ra thị trường nội địa để duy trì hoạt động sản xuất.

Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Sơn I cho rằng, việc tìm kiếm giải pháp trước điểm nghẽn này là điều mà các doanh nghiệp trong ngành trông chờ từ lâu. 

“Tôi ví hoạt động sản xuất và kinh doanh là 2 thanh kiếm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với Điều 14, Nghị định 15, hiện chúng tôi chỉ còn một thanh kiếm sản xuất và mất sức cạnh tranh với các quốc gia châu Phi, Ấn Độ…”, ông Huyên chia sẻ.

Ngành điều Việt Nam đang là một trong những ngành đứng đầu thế giới nhưng theo ông Huyên, đây cũng sẽ là ngành có nguy cơ “lụi tàn” vì những vướng mắc chính sách. Trước năm 2018, khi Nghị định 15 chưa ra đời, doanh nghiệp nhập khẩu điều để sản xuất và xuất khẩu sẽ được ân hạn thuế và không nộp thuế khi tái xuất khẩu. Thời điểm đó, nếu muốn chuyển đổi mục đích, doanh nghiệp chỉ cần khai lại thông tin và nộp thuế. 

Nhưng từ khi Nghị định 15 ra đời, việc nhập khẩu để kinh doanh thương mại trong nước là không đúng quy định. Tuy nhiên, thị trường không phải lúc nào cũng có sẵn nguyên liệu để doanh nghiệp thu mua, nếu doanh nghiệp biết tính toán thì sẽ mua thời điểm giá rẻ và bán lại lúc giá cao. Thế nhưng, có những giai đoạn giá nguyên liệu giảm sâu, giảm nhanh, tất cả các doanh nghiệp chưa có thương hiệu sẽ không bán được hàng cho khách ngoại vì không có người mua và chỉ chờ phá sản.

Song, bài toán khó giải quyết hơn khi với tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp yếu bị ngân hàng cảnh giác, không dám tài trợ vốn. Bởi khi tài trợ vốn, nếu thị trường biến động, doanh nghiệp không có thương hiệu không bán được, trong khi đó ngân hàng muốn thanh lý để thu hồi nợ cũng không được nên họ thấy rủi ro đành rút vốn.

“Nếu như vậy, doanh nghiệp như bị “trói tay chờ chết” khi không thể chuyển đổi mục đích kinh doanh tại thị trường nội địa và cũng không thể bán lại cho doanh nghiệp khác để sản xuất, xuất khẩu. Bởi việc buôn bán giữa 2 doanh nghiệp nội địa với mục đích xuất khẩu vẫn được xem là bán hàng nội địa. Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị xem là buôn lậu và vi phạm pháp luật. Bản thân tôi cũng đã gửi văn bản các ý kiến cá nhân đến Sở Công thương tỉnh Bình Phước nhưng đến nay vẫn khó tìm được lời giải”, ông Huyên nêu bức xúc.

Có thể thấy, việc tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành điều Việt Nam không chỉ là vấn đề cấp bách của các doanh nghiệp mà còn liên quan đến sự phát triển bền vững của cả ngành. Những quyết sách phù hợp từ phía cơ quan chức năng sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành điều Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất và xuất khẩu hạt điều sang các nước.


Hoài Sương


« Quay lại

 Sự kiện

Miễn phí 14 ngày dùng thử FiinPro-X

Dùng bản thử ngay